Tiên phong đầu tư hơn 4 tỷ đồng “săn” cây dược liệu quý về trồng tại vùng đệm Pù Mát (Con Cuông – Nghệ An), ThS. Phan Xuân Diện, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã “biến” những khu đất hoang thành vùng cây dược liệu có giá trị, chất lượng cao theo mô hình khép kín và áp dụng công nghệ cao.
“Cái khó… ló công nghệ”
Sở hữu vùng trồng dược liệu rộng hơn 7ha tại xã Chi Khê (huyện Con Cuông), với đa dạng các loại cây dược liệu quý như: Dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam, đinh lăng, mướp đắng rừng…, mô hình trồng cây dược liệu đã mang lại hiệu quả “không ngờ” cho vùng đất núi nơi đây.
Giám đốc Phan Xuân Diện bên vùng trồng dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP.
ThS. Phan Xuân Diện cho biết, huyện Con Cuông được đánh giá rất có tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát (một khu rừng đặc dụng ở phía Tây tỉnh Nghệ An), bởi vậy, cây sinh trưởng tốt và có hàm lượng dược tính của dược liệu cao hơn hẳn vùng đất khác (theo kết quả phân tích, kiểm nghiệm của Viện Dược Liệu – Bộ Y tế).
Để đảm bảo công tác quản lý tốt, mỗi loại cây dược liệu tại đây đều được chia thành từng khu vực trồng chuyên biệt. Song với địa hình đất dốc, dễ bị xói mòn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, do đó, sau nhiều khó khăn thất bại, ông Diện đã tính: “Cần phải áp dụng khoa học công nghệ thì mới thành công được”.
“Cái khó ló cái hay”, ông Diện đã mạnh đầu tư áp dụng công nghệ cao (công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel) và sử dụng màng nylon phủ cắt mặt luống để hạn chế cỏ dại, đồng thời thực hiện phơi khô nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời để giữ nguyên được các hàm lượng quý trong các thảo dược. Ước tính, riêng chi phí đầu tư về màng phủ và hệ thống tưới 1ha là khoảng 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, sản phẩm của dự án khoa học công nghệ được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty CP Dược liệu Pù Mát còn được thực hiện trên dây chuyền hiện đại bằng máy tự động, với quy trình khép kín từ nhân giống, thu hoạch, chế biến và đóng gói cung ứng ra thị trường. Sản phẩm có đầy đủ thông tin mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng.
ThS. Diện cũng cho hay, đối với vùng trồng dược liệu tại đây, công ty không hề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, các công đoạn đều làm thủ công từ việc làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh. Việc phủ màng nylon giúp hạn chế được cỏ dại. Khi sử dụng màng phủ, giúp giảm 2/3 số lần làm cỏ và giảm đến 70{0be587f28dd93e0c8c33006c00bb094a61d4fc95abf145e9bd47bcc216c99087} chi phí làm cỏ.
Với hệ thống tưới nhỏ giọt, khoảng 2 ngày tưới một lần, vừa giúp tiết kiệm tưới, vừa giữ được độ ẩm tốt hơn cho cây.
“Ở khu vực miền núi này, đất dốc nên khi mưa dễ gây xói mòn. Do vậy, việc áp dụng phủ màng nylon kết hợp tưới nhỏ giọt sẽ khắc phục được nhược điểm của vấn đề xói mòn và giúp giữ được độ ẩm trong đất vì cây dược liệu này cần đủ độ ẩm mới phát triển tốt”, ThS. Diện cho biết thêm.
Tiên phong thực hiện
Hiện nay, tại khu trồng dược liệu, Công ty CP Dược liệu Pù Mát đang trồng 5-6 loại cây, tuy nhiên vẫn chủ yếu tập trung vào các loại cây chính là cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam…
Vùng trồng dược liệu Con Cuông được thực hiện từ một đề án khoa học được ThS. Diện đề xuất vào năm 2016. Với mỗi loại cây đưa vào trồng theo mô hình sản xuất cây dược liệu này được UBND tỉnh và Sở Khoa học -Công nghệ Nghệ An hỗ trợ 5.000 cây giống đầu dòng.
ThS. Diện cũng cho biết, đối với cây cà gai leo, trồng khoảng 6 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch, tuy nhiên, để sản xuất lấy giống tốt nhất thì phải sau 2 năm người ta mới thu hoạch. Trên thị trường, hạt giống cà gai leo có giá 30-40 triệu đồng/kg, còn 1 cây giống cà gai leo (gieo vào bầu đất có 5 lá thật) giá 2.000-2.500 đồng.
“Cây cà gai leo có chu kỳ lưu gốc 3-4 năm, tùy điều kiện dinh dưỡng và sự chăm sóc, song thường từ năm thứ 3 trở đi sẽ phải thay giống, vì lúc đó năng suất sẽ giảm dần,” ThS. Diện lưu ý thêm.
Đối với giống cây dây thìa canh, được trồng với kỹ thuật không khắt khe như cây cà gai leo và có chu kỳ lưu gốc kéo dài khoảng 10 năm, tuy nhiên, do là dạng thân cây leo, phải đầu tư hệ thống dàn, trụ cho cây bám nên chi phí trồng cũng “đội lên”.
Ước tính tổng vốn đầu tư cho toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc thiết bị, vườn nguyên liệu của mô hình sản xuất dược liệu tại Con Cuông hiện vào khoảng 4 tỷ đồng. Các khu nhà xưởng tại đây được phân ra thành các khu vực theo các chức năng chuyên biệt nhằm đảm bảo tốt cho công tác sản xuất dược liệu.
Theo bà Nguyễn Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Chi Khê, mô hình này để người dân tự phát thực hiện thì rất khó vì quy mô và chi phí đầu tư lớn, song Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã mạnh dạn tiên phong thực hiện nhằm tận dụng lợi thế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây để phát triển trồng cây dược liệu, được địa phương đánh giá rất cao.
“Chúng tôi mong mô hình hiệu quả này sẽ được nhân rộng, đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho bà con, cũng như thu hút nguồn nhân lực tại địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, từ đó góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm”, bà Thắng nhấn mạnh.
Chị Bùi Thị Hồng (xã Chi Khê), công nhân tại Nhà máy sản xuất dược liệu Pù Mát chia sẻ, từ khi có trang trại và nhà máy sản xuất cây dược liệu này, chị có công việc ổn định, ngày làm 8 tiếng với mức thu nhập khá hơn so với thời gian làm ở vườn ươm lâm nghiệp trước đó.
Mở rộng quy mô
“Được UBND tỉnh Nghệ An, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cùng các sở, ban ngành giao tiếp nhận cây giống, từ đó đi vào sản xuất để nhân rộng, dự án ban đầu chỉ được tiếp nhận 5.000 cây/loại, nhưng đối với giống cây dây thìa canh phải mật độ 50.000 cây/ha, do đó, để phát triển với quy mô hiện nay, sau thời gian tìm hiểu kỹ về kỹ thuật trồng cũng như áp dụng thử nghiệm, công ty đã chủ động thực hiện nhân giống và trồng trọt, thu hái, chế biến, bởi vậy thời gian đầu cũng gặp không ít những khó khăn”, ông Diện nói.
Tuy nhiên, hiện nay, mô hình trồng dược liệu của doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với quy mô lớn hơn và không thực hiện bán thô giống như nhiều nơi trồng dược liệu đang làm, mà được tiến hành theo quy trình khép kín bằng việc đầu tư máy móc, công nghệ đưa vào chế biến, đóng gói thành các sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường.
Ông Trần Văn Hường, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nghệ An, cho biết, Dự án trồng cây dược liệu của Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã được Bộ Y tế chứng nhận về tiêu chuẩn và được người tiêu dùng đón nhận, cho thấy hiệu quả của mô hình cần được nhân rộng.
Theo ông Diện, hiện nay, công ty đang làm việc với Sở Y tế Nghệ An để đưa sản phẩm vào các bệnh viện, ví dụ dây thìa canh hỗ trợ chức năng trị bệnh tiểu đường thì sẽ đưa vào điều trị tại bệnh viện nội tiết… Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang liên kết với người dân để mở rộng thêm diện tích trồng, đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu chế biến, phục vụ nhu cầu của thị trường. Bằng hình thức thuê đất của người dân, giao trực tiếp cho người dân trồng dược liệu, sau đó doanh nghiệp sẽ đứng ra thu mua nguyên liệu để sản xuất.
Với đặc tính dễ trồng, ưa khí hậu, thổ nhưỡng “trời ban” nơi đây, việc trồng cây dược liệu có thể đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm cho người dân. Việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con vùng nông thôn miền núi.
Song để mở rộng quy mô, vị đại diện này cũng đề xuất mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và theo Nghị định 65/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Với các điều khoản hỗ trợ về chính sách ưu đãi tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng, đồng thời giúp doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển thị trường.
Công ty CP Dược liệu Pù Mát hiện có các sản phẩm trà dược liệu được đóng gói bằng túi lọc, tiện lợi cho người tiêu dùng. Tới đây, tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất các loại cao dược liệu và trà hòa tan, viên nén nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng.
Các dòng sản phẩm trà dược liệu túi lọc Cà gai leo, Dây thìa canh, Giảo cổ lam của Công ty CP Dược liệu Pù Mát đều được trồng theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc) và hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 001641/2017/ATTP-CNĐK ngày 22/12/2017.
Sản phẩm được Bộ Y tế xác nhận “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” an toàn thực phẩm và Bộ Công Thương chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2018” theo Quyết định số 93/QĐ-CTĐP ngày 31/7/2018.